Tự kỷ và niềm hy vọng của phụ huynh
Fb Danang Ho (phụ huynh)
Nhiều năm trước, người ta cho rằng trẻ bị chứng rối loạn phổ tự kỷ sẽ câm nín suốt đời, nếu các em không thể dùng lời trong giao tiếp xã hội sau 4 tuổi.
Không phải vậy!
Gần đây, các chuyên gia ở Baltimore, Hoa Kỳ, đã thực hiện một công trình nghiên cứu khá qui mô, bao gồm sự tham gia của 535 trẻ/thanh thiếu niên, tuổi từ 8 đến 17, có chẩn đoán bị tự kỷ và chưa thể dùng lời sau sinh nhật lần thứ tư, với kết quả rất khả quan và được đăng trên tạp chí Y Học Nhi Đồng (Pediatrics) như sau:
- Chừng 47% sử dụng từ ngữ rất thành thạo.
- Chừng 70% có thể sử dụng các câu đơn giản.
Các chuyên gia cho rằng 2 yếu tố quan trọng nhất để tiên đoán trẻ tự kỷ có thể nói được và nói thành thạo về sau, với sự can thiệp tích cực của chuyên viên về nói/ngôn ngữ, giáo viên, và phụ huynh ở gia đình. Đó là -
1) Thương số thông minh không bằng lời (Non-verbal IQ scores) trong các bài thẩm định trí tuệ không dùng lời (Non-Verbal IQ Assessments) cho các em tự kỷ. Thương số nầy càng cao thì càng tốt.
2) Khiếm khuyết về giao tiếp xã hội không nằm ở mức độ nghiêm trọng.
Một điều rất ngạc nhiên trong báo cáo nầy là những hành vi lặp đi lặp lại (repetitive behaviors) và sở thích giới hạn (restricted interests) hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ tự kỷ.
Tiến Sỹ Geraldine Dawson tin rằng kết quả lạc quan từ công trình nghiên cứu nầy của các chuyên gia thuộc Center for Autism and Related Disorders ở Baltimore sẽ giúp cho phụ huynh có nhiều hy vọng về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ tự kỷ ở bậc tiểu học, hoặc ở chặng tuổi lớn hơn, rằng những yếu tố dùng để tiên đoán khả năng tiếp thu ngôn ngữ nêu trên, đặc biệt là khả năng nhận thức và giao tiếp xã hội không dùng lời (nonverbal cognitive and social skills), cho thấy đó chính là những trọng tâm của chương trình can thiệp sớm nhằm giúp các em tự kỷ biết nói và sử dụng ngôn từ về sau.
Nguồn:
Predictors of Phrase and Fluent Speech in Children With Autism and Severe Language Delay
Ericka L. Wodka, Pamela Mathy, Luther Kalb
http://pediatrics.aappublications.org/content/131/4/e1128
Many Nonverbal Children with Autism Overcome Severe Language Delays
https://www.autismspeaks.org/…/many-nonverbal-children-auti…
Bảy cách dạy trẻ tự kỷ nói
Danang Ho (phụ huynh)
Ghi chú: Ngoài sự trị liệu về nói/ngôn ngữ ở trung tâm hoặc nhà trường, phụ huynh vẫn có thể hỗ trợ thêm cho con em ở gia đình bằng cách kề cận và dành nhiều thời gian nói chuyện với các con.
Nhiều nghiên cứu mới nhất cho thấy các trẻ tự kỷ chưa nói được sau 4 tuổi, vẫn phát triển khả năng nói/ngôn ngữ hơn cả sự mong đợi của phụ huynh và giáo viên.
Hầu hết các trẻ tự kỷ đều có những nhu cầu cá biệt và mức độ khiếm khuyết khác nhau về nói/ngôn ngữ. Vì thế, nhiều phương pháp giáo dục/trị liệu có thể đem lại hiệu quả cho nhóm tự kỷ nầy, nhưng hoàn toàn vô hiệu với những nhóm khác. Hiện nay ở Mỹ, các chuyên viên, giáo viên và phụ huynh không chỉ dựa vào cách dạy các em biết phát âm, hoặc dùng lời, mà họ còn biết cách tận dụng những công cụ hỗ trợ bằng hình ảnh (visual supports) và kỹ thuật trợ giúp (assistive technologies) nhằm giúp trẻ tự kỷ phát triển ngôn ngữ đến mức tối đa.
Tiến Sỹ Geri Dawson, giám đốc trung tâm nghiên cứu tự kỷ và phát triển não bộ ở Đại Học Duke, bang North Carolina, đề nghị 7 cách dạy trẻ tự kỷ nói cho phụ huynh và giáo viên trên mạng Autism Speaks như sau:
1) Dạy trẻ chơi và giao tiếp xã hội
Khi chơi, trẻ tự kỷ học được nhiều điều, kể cả ngôn ngữ. Phụ huynh chơi với con là tạo cơ hội cho trẻ nói chuyên với mình. Hãy thử nhiều trò chơi và hoạt động khác nhau để tìm hiểu sở thích của trẻ. Và khi chơi, hãy chọn một tư thế mặt đối mặt và ngang tầm mắt để trẻ có thể nhìn và nghe phụ huynh hay giáo viên nói.
2) Vờ bắt chước trẻ
Nhại lời nói, cách phát âm, và hành vi của trẻ sẽ giúp trẻ tự tin, nhập cuộc dễ dàng hơn. Hãy khuyến khích trẻ biết chờ đợi, biết bắt chước người lớn, hoặc người lớn làm theo những động tác của trẻ khi cùng chơi với nhau trên sàn. Ví dụ, trẻ đẩy xe, bạn cũng đẩy xe; trẻ lăn xe ngã, bạn cũng vờ lăn xe ngã, nhưng … đừng vờ quăng ném vật thể như trẻ.
3) Tập trung vào cách đối thoại không dùng lời
Điệu bộ và sự giao tiếp bằng mắt là nền tảng của kỹ năng về nói/ngôn ngữ. Khi đối thoại với trẻ tự kỷ, hãy dùng điệu bộ hay ngôn ngữ của thân thể và giọng nói tự nhiên của mình cho trẻ dễ bắt chước, chẳng hạn vỗ tay, xòe tay, duỗi tay, hoặc dùng tay chỉ trỏ vật thể.
4) Không hối thúc. Hãy cho trẻ thời gian suy nghĩ và trả lời
Đừng điền vào chổ trống của ngôn ngữ khi đối thoại với trẻ và buộc trẻ phải trả lời mình ngay sau khi bạn hỏi, hoặc muốn biết trẻ tự kỷ thích điều gì. Hãy nhìn trẻ và chờ đợi nhiều giây, cho trẻ thời gian ra dấu bằng âm thanh hay điệu bộ của thân thể.
5) Dùng từ đơn giản khi nói chuyện với trẻ tự kỷ
Nếu trẻ chưa nói được, hãy dùng từ đơn. Ví dụ, nếu trẻ đang chơi banh, bạn nên dùng từ “banh”. Nếu trẻ nói được từ đơn, hãy dùng những câu thật ngắn, gốm hai từ ghép lại. Ví dụ, chơi banh, đá banh. Có thể dùng trội hơn một hoặc hai từ trong câu so với khả năng nói được từ của trẻ.
6) Dựa vào sở thích cá biệt của trẻ tự kỷ
Đa số trẻ tự kỷ đều thích xe, tầu lửa. Phụ huynh có thể dựa vào sở thích cá biệt nầy để dạy trẻ mầu sắc, số đếm, kích thước lớn, nhỏ, v.v…
7) Dựa vào công cụ hỗ trợ bằng hình ảnh, kỹ thuật trợ giúp
Công cụ hỗ trợ bằng hình ảnh là những vật thể, hình vẽ, chữ viết trên thẻ giấy nhằm giúp trẻ tự kỷ chưa biết dùng lời trao đổi thông tin hay truyền đạt ý muốn của mình với người khác.
Riêng kỹ thuật trợ giúp là bất cứ trợ cụ nào được dùng vào mục đích nâng cao kỹ năng nói/ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ, chẳng hạn iPad, máy điện toán, v.v…
Nguồn:
https://www.autismspeaks.org/…/seven-ways-help-your-nonverb…
https://www.autismspeaks.org/…/many-nonverbal-children-auti…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét