Source: https://www.harryle.org/2023/11/bach-huong-dan-ho-tro-ki-nang-xa-hoi.html
Tài liệu hướng dẫn hỗ trợ kĩ năng xã hội dựa trên học thuyết về WCC
Như đã đề cập ở bài trước (Weak Central Coherence - một đặc điểm của trẻ tự kỉ), WCC là một học thuyết dù ra đời đã lâu, nhưng tới nay vẫn chưa đạt được sự thống nhất ở những vấn đề cốt lõi nhất: định nghĩa, tiêu chí chẩn đoán, công cụ chẩn đoán/đánh giá. Số lượng các nghiên cứu về WCC cũng rất ít. Do đó, cho tới nay, không có một chương trình can thiệp nào dán mác WCC mà đạt cấp độ "có bằng chứng khoa học" cả.
Một vấn đề nữa của WCC là sự chồng lấp, giao thoa của các kĩ năng được coi là của WCC và các kĩ năng đã được nghiên cứu sâu rồi ở các học thuyết khác. Lấy ví dụ: trẻ không kết nối được các thay đổi nhỏ thành một "bức tranh lớn" thì chỉ lo nhìn mũi, nhìn mặt người khác, mà không chú ý mắt người ta đang nhướng lên, trán nhăn lại, là biểu hiện của người khác đang nổi giận. Nhưng những thứ về nhận diện cảm xúc như vậy thì các nhà nghiên cứu thuyết tâm trí đã làm rất tốt rồi. Một ví dụ khác: trẻ quá chú tâm vào giải các bài toán mà trẻ thích (chú ý chi tiết) mà không để ý là ngày mai phải làm bài thi cuối kì, phải ôn toàn bộ chương trình (quên cái tổng quát). Nhưng kĩ năng này thì các nhà nghiên cứu chức năng điều hành sẽ gọi là thiếu khả năng lập kế hoạch.
Do đó, Harry, trong khả năng hạn hẹp của mình, chỉ biết 2 giáo trình (một cuốn sách và một chương trình can thiệp) nhận là sử dụng cơ sở lý thuyết của WCC, từ đó, viết ra một số bài học rời rạc, hoặc tích hợp vào những curriculum khác nhau. Đó là
- Big Picture Thinking - Using Central Coherence Theory to Support Social Skills: A Book for Students (2011).
- Social Thinking.
Đặc điểm chung của 2 tài liệu này đó là chúng không được xây dựng dựa trên nghiên cứu và cũng chưa được kiểm chứng tính hiệu quả bằng nghiên cứu. Nói như vậy nghĩa là thế nào? Nếu các anh chị đã coi qua những giáo trình can thiệp như PEAK (ABA) hay Unstuck and On Target! (executive function) thì sẽ thấy các bài học được soạn ra từ các protocol của các nghiên cứu trước đó, và khi tập hợp lại thành một curriculum hoàn chỉnh, chúng lại được kiểm chứng lại bằng các nghiên cứu độc lập. Sách Big picture thinking và các curriculum của Social Thinking không làm được điều này. Các nghiên cứu về WCC cho đến hiện nay (xin coi lại bài viết này) tập trung vô 3 hướng tiếp cận khác nhau, nhưng đều là những bước căn bản, "đơn giản", như đi từ kiểm tra, rèn luyện thị giác, thính giác, rồi cuối cùng là tới nhận diện, phân tích bối cảnh qua văn viết. Theo mình, các protocols trong các nghiên cứu trên phần nào thể hiện nỗ lực của các nhà nghiên cứu WCC trong 30 năm qua trong việc trả lời câu hỏi: đâu là những thành tố cấu thành và tiêu chí chẩn đoán WCC. Nói một cách khác, các kĩ năng cơ bản nêu trên là những kĩ năng tiền đề để hình thành năng lực phân tích bối cảnh. Một giáo án bài bản về WCC tốt (và dễ kiểm chứng) có lẽ nên được xây dựng từ những kết quả nghiên cứu này, hơn là đi thẳng vô bậc cao nhất của WCC là hỗ trợ kĩ năng xã hội cho trẻ có WCC.
Sách Big picture thinking
Như đã bàn ở trên, sách này không dựa trên nghiên cứu về WCC nên khi đọc phần tài liệu tham khảo, các anh chị sẽ toàn thấy các trích dẫn thứ cấp (secondary citation). Nghĩa là, nói theo một chừng mực nào đó, cô Colluci "xào" lại ý tưởng của những người đi trước mà thôi. Nhóm tài liệu mà cô lấy tưởng chủ yếu là các ý tưởng từ Social stories và các chiến lược khác trong chiến lược Social narratives.
Tuy vậy, với tinh thần đãi cát tìm vàng, ta thử xem qua ý tưởng của tác giả và nội dung các bài học một chút:
- Về ý tưởng: chỉ qua cái tên sách, tạ đã thấy tác giả muốn trẻ tự kỉ nhìn thấy bức tranh toàn cảnh (big picture) của các tình huống xã hội. Đây rõ ràng là một mục tiêu khó, vì như đã bàn ở trên, tác giả hoàn toàn không có checklist hay một khâu nào để kiểm tra kĩ năng tiền đề WCC.
- Về chiến lược: các bài học được viết dưới dạng văn bản (khái niệm, phân tích cái chưa phù hợp, đề xuất giải pháp), kèm một vài hình ảnh minh hoạ, để phân tích tình huống xã hội. Các nhóm chủ đề kĩ năng xã hội mà tác giả chọn gồm: cảm xúc (emotions), tự kiểm soát (self-control), hiểu quan điểm người đối diện (perspective-taking), giao tiếp (communication), quan hệ (relationships) và tương tác (interactions).
Có thể thấy, chiến lược (stratery) mà cô Colluci chọn rất giống Social Stories và phần nào giống Social autopsy. Đây là các chiến lược có bằng chứng khoa học. Tức là về mặt cách làm (how to teach?), tác giả đã chọn cho chúng ta một hướng đi tốt. Về nội dung (what/when to teach?), tác giả không bắt đầu từ các kĩ năng tiền đề của WCC, việc lựa chọn các nhóm kĩ năng cũng trùng lặp rất nhiều với các bài học của ToM, EF và đặc biệt là trùng lắp nhiều với SEL.
Tuy vậy, cá nhân Harry vẫn khuyến khích các anh chị có cuốn này vì giá hiện tại của sách này trên amazon chỉ chừng $3. Với $3, các anh chị đọc được hơn 200 trang tâm huyết của một nhà ngữ âm trị liệu, có "nguyên liệu" để dạy vài chục kĩ năng xã hội, để viết rất nhiều câu chuyện xã hội. Xin lưu ý, tác giả đề xuất sách dành cho trẻ 5 tuổi trở lên, ở đây, phải hiểu 5 tuổi tức là 5 tuổi phát triển, nghĩa là trẻ phải có năng lực ngôn ngữ, tư duy của trẻ 5 tuổi phát triển bình thường.
Social Thinking
Harry đã viết rất nhiều bài giới thiệu về Social Thinking (ST), các anh chị chưa quen thuộc với ST thì có thể bắt đầu từ bài này. ST có thể nói là một "hệ sinh thái" các giáo trình can thiệp kĩ năng xã hội cho mọi lứa tuổi. Họ thường khuyến khích mọi người tích hợp nhiều sách vở, giáo trình của họ với nhau. Điểm đặc biệt của ST là họ cố gắng chứng minh hướng tiếp cận của họ là có cơ sở khoa học, toàn diện. Chính vì "toàn diện" nên dĩ nhiên họ có hẳn một mục diễn giải cách họ nâng đỡ các bé có WCC thông qua các tài liệu ST như thế nào. Xin coi hình dưới đây (nguồn từ website ST, 2022):
Có thể thấy, ST khuyến khích chúng ta (layer 6) sử dụng các sách vở của họ là Social Detective, Social Thinking and Me và We Can Make It Better!. Harry chưa xài cái nào trong 3 quyển này. Các chiến lược mà họ sử dụng (layer 4) trong các sách vở trên không phải là social stories như sách của cô Colluci, mà là các chiến lược "đặc trưng" của ST (nghĩa là bạn không thể tìm thấy các tên gọi đó trong các nghiên cứu đâu, vì nhóm ST đã dựa trên các nghiên cứu và đặt lại tên rồi). Và cũng như đã bàn nhiều lần, sẽ rất khó để kiểm chứng tính hiệu quả của cách tiếp cận này. Ai xài rồi, thấy được hay không thì tự biết, chứ các nhà nghiên cứu chưa nói gì.
Tổng kết
- Hiện chưa có giáo trình WCC nào được phát triển từ các nghiên cứu cơ bản, cũng không có giáo trình nào hỗ trợ trẻ WCC được kiểm chứng.
- Các tài liệu tự nhận là hỗ trợ trẻ có WCC đều không được kiểm chứng bởi một nhóm độc lập, dựa vào các chiến lược nổi tiếng như social stories (vốn đã được chứng minh là hỗ trợ rất tốt cho trẻ yếu ToM và EF).
- Có nên mua Big Picture Thinking? Có, vì rẻ, nhiều ý tưởng xài được.
- Có nên theo đuổi 3 bộ sách Social Thinking? Có điều kiện (thì giờ, tiền bạc) thì mua, không thì thôi.
- Vậy Harry làm gì để hỗ trợ con?
- Harry tìm coi có những trò chơi, hoạt động nào na ná các protocols từ các nghiên cứu cơ bản về WCC → chơi cùng con.
- Đọc hiểu, phân tích bối cảnh qua văn bản được dạy rất kĩ ở trường học, nhất là chương trình gifted → con của Harry đang học chương trình này. Harry mua nhiều sách, đọc sách, thảo luận cùng con.
- Dạy ToM, EF và SEL → bổ sung các món này cũng là năng lực phân tích bối cảnh tăng lên.
- Mua các sách trên (Big Picture Thinking, Social thinking) để tham khảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét