Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

NHẬN BIẾT BỆNH VIÊM KẾT MẠC (ĐAU MẮT ĐỎ)

NHẬN BIẾT BỆNH VIÊM KẾT MẠC (ĐAU MẮT ĐỎ)
Những ngày làm việc đầu tiên của năm 2015, BS tiếp nhận rất nhiều trường hợp Viêm kết mạc. Đại đa số phụ huynh đều “kể về 1 câu chuyện” gần giống nhau: “bé bị sổ mũi 2-3 ngày trước, có vài tiếng ho sau đó thì đỏ một bên mắt, dụi mắt nhiều; đến sáng hôm nay thì ra ghèn nhiều và lan sang cả 2 mắt…..”
Dưới đây là những dấu hiệu giúp phụ huynh nhận biết bệnh VIÊM KẾT MẠC, mà dân gian thường hay gọi là đau mắt đỏ, nhặm mắt:
1. Cảm giác cộm xốn mắt: bé hay đưa tay dụi mắt
2. Đỏ mắt: xuất hiện nhiều tia máu trong tròng trắng mắt
3. Đổ ghèn: thường xuất hiện nhiều sau khi bé ngủ dậy
4. Xuất huyết kết mạc: là những đốm máu xuất hiện trong tròng trắng mắt, do vỡ mạch máu nông của vùng kết mạc nhãn cầu.
Đối với những trường hợp nặng, có thể kèm theo những biểu hiện khác như:
- Sưng nề mi, chảy máu từ mắt: nước mắt thoát ra ngoài có màu hồng đỏ, lẫn máu; do vỡ mạch máu nông của kết mạc mi.
- Màng giả mạc: màng màu trắng đục, dai, xuất hiện phía trong mi mắt.
- Sợ ánh sáng: bé nhắm chặt mắt khi tiếp xúc ánh sáng, đồng thời chảy nước mắt nhiều.
Xử trí:
1. Vệ sinh bằng nước muối sinh lý 0,9%; sẽ giúp rửa trôi tác nhân gây bệnh.
2. Hạn chế dụi mắt: nhằm tránh gây trầy xướt giác mạc (tròng đen) có thể làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
3. Phòng ngừa lây nhiễm: bệnh có khả năng lây lan nhanh, chủ yếu qua ghèn, nước mắt và nước bọt. Do đó quý phụ huynh nên:
+ Không sử dụng chung khăn mặt, vật dụng cá nhân;
+ Rửa tay thường xuyên trước và sau khi chăm sóc bé;
+ Hạn chế ôm hôn bé;
+ Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý và tăng cường sức đề kháng bằng những thực phẩm giàu vitamin C.
4. Khám tại cơ sở y tế chuyên khoa; không tự ý sử dụng thuốc.


Không có văn bản thay thế tự động nào. 
Không có văn bản thay thế tự động nào.



Source: fb BS Thành Danh - khoa mắt BV Nhi Đồng 2